KOL quảng cáo lố 'thần dược', xin lỗi và khóc lóc là xong ?

12/04/2025
|
0 lượt xem
Thời Sự Ý Kiến
KOL quảng cáo lố 'thần dược', xin lỗi và khóc lóc là xong ?

Tôi không biết các bạn thế nào, nhưng riêng tôi, mỗi ngày lướt mạng xã hội là một lần thấy bức xúc với hàng loạt quảng cáo bán hàng sai sự thật.

Mà đau lòng nhất chính là những sản phẩm liên quan đến sức khỏe: thuốc, thực phẩm chức năng, thậm chí cả những phương pháp chữa bệnh được thần thánh hóa như một phép màu.

Có thể thế hệ chúng ta vẫn còn tỉnh táo, biết cách kiểm tra thông tin, nhưng còn bố mẹ, ông bà chúng ta thì sao? Với họ, một bài quảng cáo được chạy liên tục trên Facebook, TikTok, hay YouTube không khác gì một lời khẳng định chắc chắn rằng sản phẩm đó tốt thật. Và thế là, họ đặt mua. Họ uống. Họ tin tưởng tuyệt đối, thậm chí còn kêu gọi cả nhà cùng dùng.

Khi ai cũng có thể trở thành "lương y" trên mạng xã hội

Sự thật đáng buồn là, giờ đây, bất kỳ ai cũng có thể tự phong mình là "bác sĩ", "lương y", miễn là họ có một tài khoản mạng xã hội và một kịch bản quảng cáo đủ hấp dẫn. Đâu cần bằng cấp, đâu cần chuyên môn, chỉ cần biết đánh trúng tâm lý của người bệnh là đủ.

Người bị thoát vị đĩa đệm ư? Không cần đến bệnh viện, không cần vật lý trị liệu, chỉ cần mua ngay một hộp thuốc "gia truyền", uống vào là "khỏi ngay". Người bị tiểu đường ư? Bỏ hết thuốc tây đi, chỉ cần dùng một loại trà thảo dược "bí truyền" nào đó là đường huyết sẽ "ổn định".

Nghe thì hoang đường, nhưng có rất nhiều người tin. Và hậu quả?

Tốn tiền oan: Những sản phẩm này thường có giá không hề rẻ, một liệu trình có thể lên đến vài triệu đồng. Người mua cứ nghĩ "đắt xắt ra miếng", nhưng thực chất toàn là trò lừa đảo.

Bệnh ngày càng nặng: Vì tin vào quảng cáo, họ bỏ qua việc khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế có chuyên môn. Đến khi nhận ra mình bị lừa, bệnh đã tiến triển nặng, thậm chí không còn cơ hội chữa trị.

Tâm lý hoang mang, mất niềm tin vào y học: Sau khi bị lừa một lần, nhiều người sinh ra hoài nghi với tất cả mọi thứ, kể cả những phương pháp điều trị chính thống.

Mất dần niềm tin vào kênh bán hàng online, nhìn đâu cũng sợ, cũng thấy lừa đảo, ảnh hưởng đến những người kinh doanh chân chính.

Khác biệt giữa doanh nghiệp lớn và cá nhân bán hàng online

Các doanh nghiệp lớn khi muốn quảng cáo thực phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe đều phải xin giấy phép, phải qua nhiều bước kiểm duyệt khắt khe. Nhưng những cá nhân bán online thì sao? Họ chẳng cần xin giấy phép gì cả. Nội dung quảng cáo hoàn toàn do họ tự quyết định, miễn sao thu hút được người mua.

Lúc bán chạy, họ có thể còn có chút lương tâm, nhưng khi hàng tồn nhiều, doanh số thấp, liệu họ có sẵn sàng bịa thêm công dụng để lừa khách hàng không? Câu trả lời chắc ai cũng biết.

Và những KOLs - những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội - cũng chính là công cụ tiếp tay cho việc này. Họ nhận tiền quảng cáo mà không cần biết sản phẩm đó có thực sự tốt hay không.

Chỉ cần vài câu review giả tạo, hàng trăm nghìn người đã bị dẫn dắt. Nếu xui xui xảy ra sự cố, thì mếu máo xin lỗi kèm vài giọt nước mắt là xong.

Phạt hành chính vài chục triệu không đủ, cân nhắc "hình sự" hóa

Chúng ta đã có quy định xử phạt quảng cáo sai sự thật, nhưng thực tế, mức phạt quá nhẹ. Tại khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021, mức xử phạt chỉ vài chục triệu đồng - số tiền chẳng đáng là bao so với lợi nhuận mà họ kiếm được. Đó là lý do tại sao ngày càng có nhiều người bất chấp lừa đảo, vì có bị phạt cũng chẳng hề hấn gì.

Cá nhân tôi cho rằng, đã đến lúc cần mạnh mẽ hình sự hóa hành vi quảng cáo sai sự thật, nhất là đối với các sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe.

Với các trang mạng xã hội hiện tại, việc đo lường để áp vào khung luật có thể dễ dàng hơn trước rất nhiều. Ví dụ có thể tăng mức xử phạt tù có giam giữ từ 1-3 năm theo lượt xem quảng cáo: Dưới 10.000 lượt xem, Từ 10.000 đến 100.000 lượt xem, trên 100.000 lượt xem.

Nếu áp dụng hình phạt nghiêm khắc như thế này, các KOLs sẽ phải tự kiểm tra giấy phép quảng cáo trước khi nhận quảng cáo, chỉ dám quảng cáo theo những gì giấy phép cho phép (để có gì sai không phải lỗi của họ). Người bán cũng sẽ không dám tùy tiện bịa đặt công dụng để lừa đảo khách hàng.

Cần lên tiếng để bảo vệ người thân của mình

Nếu bạn còn trẻ, bạn có thể tỉnh táo trước những lời quảng cáo "thần kỳ". Nhưng bố mẹ, ông bà chúng ta thì sao? Không ai có thể theo dõi họ 24/7 để ngăn họ đặt mua những sản phẩm trôi nổi trên mạng.

Điều duy nhất chúng ta có thể làm là lên tiếng, yêu cầu một hệ thống kiểm soát chặt chẽ hơn, một khung pháp lý nghiêm khắc hơn để bảo vệ họ.

Bởi vì, đến một ngày nào đó, chính chúng ta cũng sẽ già đi. Và nếu không hành động ngay từ bây giờ, ai sẽ bảo vệ chúng ta trong tương lai?

Lê Quốc Kiên

Tin liên quan
Tin Nổi bật